image banner
NHẬN BIẾT VÀ ĐỀ PHÒNG CẢM LẠNH MÙA GIÁ RÉT

Nhận biết cảm lạnh

Biểu hiện của bệnh cảm lạnh bao gồm các triệu chứng như: ngứa họng, đau rát họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, ho, hắt hơi, đau đầu, đau mỏi người, ớn lạnh, có thể có sốt nhẹ. Thông thường các biểu hiện có thể xuất hiện sau 1 - 3 ngày sau khi bị nhiễm virus, và thường kéo dài 5 - 7 ngày.

Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt cảm lạnh với cảm cúm. Vì cảm cúm là bệnh do các virus cúm gây ra, có biểu hiện nặng và diễn tiến nhanh hơn cảm lạnh. Bệnh cảm cúm thường khởi phát với các biểu hiện dồn dập và diễn tiến nhanh như sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ, đau đầu, mệt mỏi…

Theo nghiên cứu, tỉ lệ người bị cảm lạnh tăng lên vào lúc thời tiết thay đổi trong năm, như thời điểm từ mùa khô sang mùa mưa và thời điểm mùa lạnh rét mướt.

Và điều đặc biệt, cảm lạnh tuy ít xảy ra biến chứng nguy hiểm, nhưng gây nhiều rắc rối cho người bệnh trong công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày. Đôi khi bệnh diễn biến dai dẳng không dứt hoặc bị tái đi tái lại, nhất là ở những người có sức đề kháng không tốt.

Xử trí khi bị cảm lạnh

Khi có biểu hiện cảm lạnh, người bệnh có thể tự chăm sóc tại nhà với các bước như sau:

Bước 1: Người bệnh cần xúc họng hằng ngày bằng nước muối ấm pha loãng hoặc nước muối sinh lý NaCl 0,9%.

Bước 2: Người bệnh cần ăn giữ ấm cơ thể nhất là vùng mũi họng, nếu nghẹt mũi có thể xịt mũi bằng nước muối biển. Nếu có sốt, đau đầu thì dùng thuốc paracetamol theo hướng dẫn. Nếu ho, đau họng thì có thể dùng các loại Siro ho thảo dược để giảm ho, đờm nhớt và đau họng.

Bước 3: Người bệnh cần ăn thức ăn dễ tiêu, ăn thêm trái cây, bổ sung Vitamin C. Có thể dùng một số thực phẩm làm ấm cơ thể như uống trà gừng - mật ong, trà gừng tươi - tía tô, cháo hành - tía tô giải cảm… Và cần nghỉ ngơi tại nhà, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.

Nên đến gặp bác sĩ ngay khi có biểu hiện sốt cao >38,5 độ C, hoặc sốt dai dẳng, sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Người bệnh khò khè, khó thở, đau tức ngực, đau đầu nhiều, ho, đau họng kéo dài. Hoặc các triệu chứng diễn tiến ngày càng trầm trọng hơn.

Phòng ngừa bệnh cảm lạnh khi trời rét bằng cách nào?

Do nhiệt độ xuống thấp nên cơ thể chưa thích ứng kịp dễ dẫn đến lây nhiễm bệnh vì vậy chúng ta cần có một số biện pháp nâng cao thể trạng để phòng bệnh.

- Cần duy trì vệ sinh cơ bản, ngủ đủ giấc: Trong phòng ngừa cảm lạnh thì việc thực hiện biện pháp vệ sinh cơ bản là rất hữu ích. Trong đó cần rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc ở nơi công cộng hoặc những nơi đông người.

Nên duy trì ngủ đủ giấc do vào mùa đông khi thời tiết lạnh nhiều người khó ngủ, mất ngủ vì vậy cần đi ngủ đúng giờ, có thể sử dụng các loại trà thào dược để ngủ ngon hơn. Nếu thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch nên cần ngủ đủ giấc hoặc ngủ nhiều hơn có thể giúp phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Theo nghiên cứu những người có giấc ngủ đủ sẽ tăng khả năng miễn dịch phòng chống bệnh cảm lạnh hơn những người chỉ ngủ ít hơn 8 tiếng.

anh tin bai

- Tránh tiếp xúc trực tiếp người nhiễm bệnh: Bệnh lây do virus không khí nên việc hạn chế tiếp xúc với người bệnh nhất là nơi đông người, công cộng là quan trọng. Bệnh phát tán khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi,… vì vậy các đồ vật xung quanh người nhiễm bệnh cũng có thể vô tình được lây truyền. Như vậy, khi thấy người mắc bệnh cần hạn chế tiếp xúc tránh lây nhiễm. Hạn chế tiếp xúc gần ( tiếp xúc ở khoảng cách < 2m) với người có biểu hiện bệnh hô hấp như sốt, ho, hắt hơi… Mang khẩu trang khi đến nơi công cộng.

- Tăng cường vitamin C, không hút thuốc lá: Ngày rét cần tăng cường vitamin C sẽ giúp bổ sung vitamin C hiệu quả giúp phòng và chữa cảm lạnh. Nếu nghiện thuốc lá nên ngừng ngay vì khói thuốc lá gây ra sự kích ứng trong đường thở khiến cho chúng ta dễ bị virus tấn công. Ngoài ra hút thuốc lá còn khiến bạn dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác do virus gây ra.

‎- Cần vận động thường xuyên: Trời rét nhiều người ngại tập luyện điều này khiến dễ nhiễm bệnh nhưng đây là thói quen nhiều người mắc phải vào mùa đông. Do đó, để phòng cảm lạnh, hãy giữ thói quen vận động thường xuyên, có thể không tập được vào buổi sáng sớm mà dịch chuyển vào những thời gian phù hợp hơn, hình thức tập luyện trong nhà chẳng hạn. Vì những hoạt động thể chất đều đặn có thể sẽ làm gia tăng lượng tế bào của hệ miễn dịch, giúp chống lại nhiều loại vi khuẩn và virus có hại cho sức khỏe. Ngoài ra vận động thường xuyên còn giúp cải thiện nâng cao thể chất, phòng các bệnh rối loạn chuyển hóa, tim mạch khác. Vì vậy giữ thói quen vận động vừa phải và phù hợp với cơ thể của mình là điều vô cùng quan trọng.

‎Tóm lại: Để mùa rét không mắc các bệnh lây nhiễm nói chung cảm lạnh nói riêng cần phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt là giữ ấm vùng mũi, hầu họng. Nên uống nước ấm thường xuyên để giữ niêm mạc hầu họng không bị khô. Cần rửa tay đúng cách và thường xuyên, nếu trong gia đình có người mắc bệnh, thì nên thường xuyên dùng chất sát khuẩn vệ sinh các bề mặt bàn, ghế, các đồ vật trong gia đình…để hạn chế lây bệnh. Không sử dụng chung khăn, chén đũa, ly cốc, áo quần… với người bệnh.

Đối với người đã mắc bệnh, cần chú ý che miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy mỗi khi ho, hắt hơi và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.

Nguồn: SKĐS

Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 32
  • Hôm nay: 177
  • Trong tuần: 838
  • Tất cả: 88168